Lượt xem: 214

Kinh tế tập thể huyện Long Phú - góp phần trong xây dựng nông thôn mới

Thực tiễn xây dựng nông thôn mới thời gian qua trên địa bàn huyện Long Phú cho thấy, lĩnh vực kinh tế tập thể đã có những đóng góp quan trọng, không chỉ nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn là một yếu tố và động lực cơ bản, góp phần tạo nền tảng thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới tại nhiều địa phương trong huyện.

    Trong giai đoạn 2014 - 2020, lĩnh vực kinh tế tập thể của huyện luôn được Huyện ủy, UBND huyện quan tâm chỉ đạo sâu sát và kịp thời hỗ trợ về nhiều mặt. Nhờ vậy, lĩnh vực này đã có bước phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng hoạt động. Cụ thể trong năm 2020, huyện Long Phú đã phát triển mới được 04 hợp tác xã, nâng tổng số hiện có 21 hợp tác xã, với 1.211 thành viên tham gia, có vốn điều lệ trên 04 tỷ đồng và diện tích đất canh tác trên 1.868 ha. Đồng thời, còn phát triển mới được 06 tổ hợp tác, nâng tổng số hiện có 40 tổ hợp tác, với 778 thành viên tham gia, có diện tích đất canh tác gần 1.200 ha. Trong năm qua, hiệu quả của các đơn vị hợp tác xã, tổ hợp tác từng bước được nâng lên, thể hiện qua việc chú trọng phát triển các dịch vụ cung ứng, đáp ứng nhu cầu thiết thực cho các thành viên, tăng nguồn vốn, nâng cao năng lực quản lý, điều hành. Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển hàng năm, lợi nhuận thu nhập của thành viên, người lao động trong hoạt động kinh tế tập thể đều tăng khá.


Cánh đồng hợp tác xã nông nghiệp sản xuất lúa giống, xã Long Đức. Ảnh Sóc Ca

 

    Trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất có liên quan mật thiết đến các tiêu chí còn lại. Thực tế cho thấy, phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác không chỉ nâng cao thu nhập, tạo đầu ra sản phẩm ổn định cho nông dân, mà còn góp phần chuyển dịch lao động và chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, trong những năm gần đây, với yêu cầu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, lĩnh vực hợp tác xã của huyện đã có bước phát triển mới về số lượng, hiệu quả; hoạt động được nâng cao, với đủ các loại hình dịch vụ thúc đẩy sản xuất kinh doanh ở khu vực nông thôn. Điển hình như hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp đã phát triển theo hướng kinh doanh, dịch vụ đa ngành nghề, đáp ứng nhu cầu của hộ thành viên và thị trường. Bên cạnh đó, hợp tác xã nông nghiệp còn thực hiện được chức năng định hướng, tổ chức, hướng dẫn nông dân đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Mặt khác, nhiều hợp tác xã nông nghiệp còn chủ động đổi mới trong tổ chức quản lý, sản xuất kinh doanh phù hợp với thực tiễn, từ đó đã thực hiện việc liên doanh, liên kết trong nội bộ thành viên hợp tác xã; hợp tác xã với nhà khoa học, doanh nghiệp và với cơ quan chuyên môn để xây dựng không ít mô hình trình diễn; đồng thời tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, nâng cao kiến thức cho thành viên.

    Từ nhiều hoạt động trên, đã giúp cho hợp tác xã nông nghiệp khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, từng bước tăng số lượng, năng suất và chất lượng sản phẩm so với kinh tế hộ. Nổi bật là việc các hợp tác xã liên kết với các doanh nghiệp thông qua hợp đồng và thực hiện sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn trong canh tác lúa, từ đó đã tạo được mối quan hệ phối hợp giữa doanh nghiệp với hợp tác xã qua hình thức liên kết cung ứng giống, vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra của hợp tác xã, từng bước sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Hiện nay, Long Phú có một số hợp tác xã nông nghiệp sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP và xuất hiện nhiều hợp tác xã có quy mô lớn gắn với công tác quản trị được thực hiện tốt hơn.

    Từ nhiều hoạt động trọng tâm như trên của một số mô hình hợp tác xã trong huyện, đã góp phần quan trọng trong việc giúp thành viên và người dân nông thôn ngày càng nâng cao nguồn thu nhập nhờ mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Qua đây, giúp nhiều địa phương trong huyện thực hiện tốt công tác tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo để đạt các tiêu chí có liên quan trong xây dựng nông thôn mới như: thu nhập, hộ nghèo, hình thức tổ chức sản xuất. Ngoài ra, nhiều hợp tác xã còn giải quyết tốt nhu cầu, lợi ích chính đáng của xã viên và người lao động như: đóng bảo hiểm xã hội, công tác an sinh xã hội, thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động.

    Khi vào mô hình kinh tế tập thể, trước hết là bà con được cung cấp đầy đủ thông tin về mùa vụ, quy trình, kỹ thuật sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm hiệu quả. Bởi mỗi hợp tác xã trên địa bàn huyện đều có liên kết với ngành Nông nghiệp huyện và địa phương trong việc thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình sản xuất; đồng thời liên kết với doanh nghiệp để có thông tin về nhu cầu thị trường, cũng như có sự thống nhất về lịch xuống giống, thu hoạch và bán lúa được đồng loạt. Mặt khác, từng thành viên hợp tác xã sẽ được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ của mô hình kinh tế tập thể, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động hợp tác xã và biết được trách nhiệm, quyền lợi của mình khi tham gia vào hợp tác xã. Bên cạnh đó, khi bà con tham gia vào hợp tác xã còn được hỗ trợ về giống, vật tư nông nghiệp theo giá tốt nhất, để nông dân sản xuất đạt hiệu quả; người dân còn được hưởng nhiều chế độ, chính sách hỗ trợ cho thành viên theo quy định của Luật Hợp tác xã hiện hành. Ngoài ra, khi trở thành thành viên hợp tác xã người dân sẽ được chia lợi nhuận khi hợp tác xã hoạt động có hiệu quả.

Sóc Ca



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 51
  • Hôm nay: 7971
  • Trong tuần: 78,678
  • Tất cả: 11,801,998